Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

MobiFone không tôn trọng khách hàng, vi phạm nghiêm trọng luật Dân sự?



MobiFone không tôn trọng khách hàng, vi phạm nghiêm trọng luật Dân sự?
(PLO) - Sau khi PLVN đã có bài viết phản ánh tình trạng tự ý kết nối gia hạn, trừ tiền của khách, ngày 02/07 Đại diện MobiFone đã đổ lỗi cho các đối tác. Liệu MobiFone có thực sự vô can?
Để làm rõ hơn  trách nhiệm của MobiFone khi để khhác hành bị ảnh hưởng, phóng viên PLVN đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyên Minh Long – Giám đốc Công ty luật Dragon (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội).
-Thưa ông, như các bài viết phản ánh trên PLVN về việc khách hành bị nhà mạng MobiFone tự ý kết nối dịch vụ gia tăng, tự ý trừ tiền. theo ông, hành vi đó có vi phạm pháp luật không?
Về bản chất, cần xác định tin nhắn mời sử dụng dịch vụ của MobiFone có phải là lời đề nghị giao kết HĐ theo Điều 390 BLDS 2005 không? Điều 390 quy định “Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể”.
Trường hợp tin nhắn của MobiFone gửi đến khách hàng là loại tin nhắn đồng loạt và không xác định cụ thể đối tượng khách hàng là ai. Trường hợp này, cần xác định đây không phải là đề nghị giao kết hợp đồng.
Hành vi Mobifone “tự ý kết nối” được xem là hành vi pháp lý đơn phương. Khách hàng sẽ không chịu bất cứ ràng buộc pháp lý nào với MobiFone; trong việc sử dụng dịch vụ.
Trường hợp thứ hai, tin nhắn mời sử dụng dịch vụ có xác định cụ thể thuê bao (VD nêu cụ thể số điện thoại thuê bao, tên chủ thuê bao đã đăng ký… ) thì đề nghị giao kết hợp đồng này cũng không có giá trị khi hết thời hạn vì:
Theo Khoản 2 Điều 394 BLDS 2005 quy định đề nghị giao kết hợp đồng chấm HĐ khi “Hết thời hạn trả lời chấp nhận”. Do đó, khách hàng không phản hồi bằng tin nhắn theo cú pháp thì đương nhiên, giao kết sử dụng dịch vụ sẽ không được xác lập. MobiFone không có quyền “tự ý kết nối” dịch vụ thay khách hàng.
Sự im lặng của khách hàng – khi không nhắn tin theo cú pháp xác nhận, đương nhiên không được xem là sự đồng ý sẽ sử dụng dịch vụ. Khoản 2 Điều 404 BLDS 2005 quy định “Hợp đồng dân sự cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng, nếu có thoả thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết”.
Rõ ràng rằng, giữa khách hàng và MobiFone không tồn tại thỏa thuận “sự im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết”. Tương tự như trường hợp trên, đối tác của Mobifone cũng không được “tự ý kết nối” dịch vụ.
Như vậy, việc đối tác của MobiFone tự ý kết nối dịch vụ cho khách hàng đã vi phạm nguyên tắc cơ bản của giao dịch dân sự là sự tự nguyện (Điểm c, Khoản 1 Điều 122 BLDS 2005).
Ngoài ra, hành vi này còn có dấu hiệu vi phạm quyền tự định đoạt của người tiêu dùng “Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ” (Khoản 3 Điều 8 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010).
Và các hành vi bị cấm tại Khoản 5 Điều 10 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ yêu cầu người tiêu dùng thanh toán hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng”.

- Nếu những hành vi đó do đối tác của MobiFone, thì trách nhiệm của MobiFone đến đâu?
Theo nội dung tin nhắn khách hàng nhận được thì dịch vụ được xác nhận là do MobiFone cung cấp. Như vậy, trong mối quan hệ cung cấp dịch vụ trên; MobiFone được xác định là một bên trong giao dịch. Do vậy, về nguyên tắc MobiFone phải chịu trách nhiệm trực tiếp với khách hàng.
- Người tiêu dùng phát hiện bị trừ tiền, sau đó được hoàn trả đúng số tiền đó, theo ông như vậy có thỏa đáng?
Về nguyên tắc, giao dịch “tự ý kết nối” sử dụng dịch vụ của MobiFone là vô hiệu. Việc MobiFone hoàn trả đúng số tiền đã bị trừ cho khách hàng là hợp lý, đúng theo tinh thần của pháp luật.
Như đã phân tích ở trên; có thể nhận thấy hành vi của MobiFone đã có dấu hiệu vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Do vậy, theo Khoản 2 và 3 Điều 26 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 thì MobiFone còn có thể chịu thêm các biện pháp xử lý như sau:
Biện pháp xử lý vi phạm hành chính, nếu có; Biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm: Buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thu hồi, tiêu hủy hàng hóa hoặc ngừng cung cấp hàng hóa, dịch vụ; Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân vi phạm; Buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ loại bỏ điều khoản vi phạm quyền lợi người tiêu dùng ra khỏi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
-Rất nhiều người tiêu dùng bị ảnh hưởng, nhưng với cá nhân một khách hàng số tiền đó quá nhỏ, họ chung tâm lý ngại kiện tụng, theo ông, người tiêu dùng cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nói chung và người tiêu dùng MobiFone nói riêng, nhà nước đã xây dựng hành lang pháp lý vững vàng bằng việc ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Ngoài ra, tại văn bản pháp luật chuyên ngành, tại Điều 16 và Điều 33 Luật viễn thông 2009 cũng quy định cụ thể về quyền của người sử dụng dịch vụ viễn thông và nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông. Như vậy, về mặt pháp lý người tiêu dùng được pháp luật bảo vệ và họ hoàn toàn có cơ sở để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình.
Do vậy, quan điểm cá nhân tôi thì vấn đề cốt lõi trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phải xuất phát từ chính bản thân người tiêu dùng. Hãy là những người tiêu dùng thông thái, hiểu biết về quyền lợi mình và chủ động bảo vệ nó.
-Theo ông, Luật pháp cần phải điều chỉnh như thế nào để bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh các nhà mạng thiếu tôn trọng khách hàng như hiện nay?
Hệ thống pháp luật nước ta là hệ thống pháp luật thành văn. Do vậy, hệ thống pháp luật nói chung còn có những hạn chế nhất định như không theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của xã hội. Tuy nhiên, nhìn vào mặt tích cực thì cơ bản quyền lợi của người tiêu dùng đã được pháp luật ghi nhận, bảo vệ. Khi khách hàng nhân thấy sự thiếu tôn trọng từ các nhà mạng, khách hàng hoàn toàn có thể liên kết, đấu tranh bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình.
-Xin cảm ơn luật sư!
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com
Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty luật Dragon​
Điện thoại tư vấn pháp luật giờ hành chính: 04. 22. 007. 888
Website: www.congtyluatdragon.com / www.congtyluatdragon.vn
https://www.facebook.com/vanphongluatsudragon?ref=hl

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét